Đi tìm các cụ Tổ dòng Lê Phúc An của Chiêu hiếu Đại Vương Lê Học
Đi tìm các cụ Tổ dòng Quận công Lê Phúc An
(Bài nghiên cứu này dành tặng cho hậu duệ cụ Lê Phúc An vùng đất Thanh Oai, Mỹ Đức tỉnh Hà Tây, nay là thành phố Hà Nội)
Quận công Lê Phúc An là con thứ hai của Chiêu hiếu Đại Vương Lê Học (anh ruột của Hoàng dụ Đại vương Lê Trừ và vua Lê Thái tổ Lê Lợi). Cụ An là em ruột của Trung Vũ vương Lê Thạch hy sinh trên chiến trường năm 1427 (Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chống quân Minh do Lê Lợi lãnh đạo thắng lợi năm 1428). Hiện nay, phả đồ Họ Lê Việt Nam công bố trên website vietnamgiapha thì ghi Lê Phúc An đời 17.2 và con cái không rõ. Theo Hoàng Lê Ngọc phả, Lê triều ngọc phả, Lê tộc sinh hạ (bản gia phả do anh em nhà Lê Lợi viết năm Thuận Thiên thứ nhất 1430) đều chỉ ghi Lê Phúc An con Lê Học, em Lê Thạch. Vợ và con không thấy ghi.
Ngày nay ở nhiều làng xã thuộc huyện Thanh Oai, huyện Mỹ Đức, Thành phố Hà Nội có nhiều nhánh họ Lê ghi trong Gia phả của mình là cụ Tổ tên Lê Phúc An dòng dõi Lê Lợi, nhưng chỉ liệt kê cho đến nay khoảng 12 - 14 đời; tức khoảng 250 - 300 năm trở lại đây. Do cụ Lê Phúc An sinh cùng thời với con trưởng Lê Lợi là Quốc Vương Lê Tư Tề (sinh 1401) nên dòng Lê Phúc An truyền đời đến nay là 24-25 đời (hơn 550 năm). Chính vì vậy, hầu hết các dòng có nguồn gốc từ cụ Lê Phúc An ở vùng đất này còn 10-12 đời chưa lập được (tính từ cụ An xuống).
Mấy năm qua, trong quá trình tìm cụ Tổ Lê Đạo ( Lê Đại Độ) của tộc Lê làng Lệ Sơn, Phù Lưu Tế, Trừng Giang của chúng tôi, tôi đã biết đến Họ Lê làng Bối Khê (thuộc xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, Thành phố Hà Nội) thuộc dòng Quận công Lê Phúc An. Nơi đây hiện còn hai nhà thờ của hai chi dòng Lê Phúc An chia ra là chi Giáp (chi Nhất) và chi Ất (chi Nhì). Từ hai chi này lan tỏa các nhánh khác trên đất Thanh Oai, Mỹ Đức.
Câu chuyện đặt ra là đến đời thứ mấy tính từ cụ Lê Phúc An chia ra hai chi: chi Giáp và chi Ất? Và cụ Tổ nào là trưởng chi Giáp, Ất ? Từ bao đời nay Họ Lê Bối Khê và các chi tộc có nguồn gốc tổ Lê Phúc An chưa có câu trả lời. Hội đồng Họ Lê Việt Nam cũng chưa cho thấy tư liệu về dòng Lê Phúc An.
Nguyên nhân chưa tìm ra câu trả lời là vì Họ Lê Bối Khê của dòng Lê Phúc An viết gia phả từ năm 1742 do Đô chỉ huy xứ Lê Đình Trân chủ biên đến cuối năm Chiêu Thống 3, 1789 Hoàng giáp Lê Huy Trâm hoàn chỉnh. Đến năm Thành Thái 9, Hàn Lâm Lê Tân hoàn thiện gia phả dòng Lê Phúc An. Tuy nhiên, bản gia phả gốc tiếng Nôm với 180 trang này cho đến nay chưa được dịch. Tôi đã liên hệ Viện nghiên cứu Hán Nôm thì được biết Viện không có lưu bản gia phả và cũng chưa dịch cuốn Lê gia phả ký của Họ Lê Bối Khê. Trên trang web của Viện Hán Nôm, năm 2005 có bài giới thiệu cuốn Lê gia phả ký của Họ Lê Bối Khê của tác giả Đặng Bằng ở Trung tâm bảo tồn di tích Hà Tây. Tôi gọi và nhờ anh Lê Văn Sang - Bí thư huyện uỷ Mỹ Đức liên hệ tìm bác Bằng hỏi xem bác ấy có dịch cuốn Gia phả này chưa. Sau đó Bí thư Sang gọi vào cho tôi biết bác Bằng đã nghỉ hưu, có viết giới thiệu gia phả nhưng chưa dịch nội dung toàn bộ gia phả.
Đây là lý do các nhánh có nguồn gốc Lê Phúc An không thể nối đời tiếp theo của dòng Lê Phúc An.
Qua khảo cứu, tôi biết tại Họ Lê Bối Khê chi Giáp hiện ông Lê Văn Tập làm trưởng chi Giáp (trưởng tộc) nên đã liên hệ Bí thư huyện uỷ Mỹ Đức Lê Văn Sang và chú Lê Văn Lượng (dòng Lê Phúc An) là những người thân quen với ông Tập. Nhờ đó đã lấy được bản gia phả gốc Lê Phúc An.
Với sự trợ giúp chí tình của Tiến sĩ chuyên ngành Hán Nôm Nguyễn Hoàng Thân fb Thân Hoàng và em Miền trong xanh, bước đầu tôi đã xác định được chi Giáp và chi Ất của dòng Lê Phúc An là từ đời thứ 6. Cụ Lê Huy LỘC đời thứ 6 thuộc chi Giáp và cụ Lê Đình THỌ tự Phụ Quốc đời thứ 6 chi Ất (ông Lộc anh ông Thọ).
Với hai trang gia phả được Thân Hoàng và Miền trong xanh dịch, tôi cũng xác định Họ Lê Bối Khê ghi chép đến đời thứ 14.
Qua tìm hiểu các nguồn tư liệu khác nhau, tôi đưa ra các đời tổ dòng Lê Phúc An như sau:
- Đời 1: Cụ Lê Phúc An sanh cụ Lê Đạt Nghị
- Đời 2: Cụ Lê Đạt Nghị sanh cụ Lê Thuần Trực
- Đời 3: Cụ Lê Thuần Trực sanh cụ Lê Phúc KHÁNH
- Đời 4: Cụ Lê Phúc KHÁNH sanh cụ Lê Phúc THÀNH
- Đời 5: Cụ Lê Phúc THÀNH sanh cụ LỘC và cụ THỌ đời thứ 6 là trưởng chi Giáp và chi Ất truyền hậu duệ dòng Lê Phúc An với số đời: 24-25 đời. Hình minh họa là hai gia phả thuộc chi Giáp và chi Ất từ đời thứ 6 đến thứ 13 mà Tiến sĩ Thân Hoàng Nguyễn và Miền trong xanh giúp dịch (Còn nữa)