NHÀ TIỀN LÊ

Thứ ba - 15/06/2021 20:55
NHÀ TIỀN LÊ

NHÀ TIỀN LÊ

 

I. Thân thế, quê hương bản quán Lê Hoàn

 

1.1. Thân thế, quê hương bản quán của Vua Lê Hoàn

 

1.1.1. Theo chính sử:

 

- Việt sử lược: Vua húy là Hoàn, họ Lê, người Trường Châu, cha là Mịch, mẹ họ Đặng, khi xưa, có mang nằm mộng thấy trong bụng sinh hoa sen bỗng chốc kết thành hạt, hái lấy chia cho mọi người ăn, khi tỉnh dậy không hiểu nguyên cớ ra sao. Vua sinh ra, bà mẹ thấy sắc tay khác thường, nói với người ta rằng: "Thằng bé này lớn lên, ta sợ không kịp hưởng lộc của nó". Vài năm sau cha mẹ đầu mất, trong bản châu có ông Quan sát họ Lê thấy vua lấy làm lạ, bèn nuôi làm con mình. …Khi Vua lên ngôi phong cha là Trường Hưng vương, bà mẹ họ Đặng mẹ làm thái hậu. trang 59-60 - Đại Việt sử ký toàn thư: Vua họ Lê, húy Hoàn, cha là Mịch, mẹ là Đặng thị. Năm Vua lên ngôi, truy phong cha của vua [ Hoàn ] làm Trường Hưng Vương, mẹ họ Đặng làm Hoàng thái hậu. Lê Hoàn người Ái châu. Trước kia cha vua là Mịch, mẹ là Đặng thị, khi mới có thai chiêm bao thấy trong bụng nở hoa sen, chỉ chốc lát đã kết hạt, bèn lấy chia cho mọi người, còn mình thì không ăn, tỉnh dậy không hiểu nguyên do thế nào. Đến khi năm Thiên Phúc thứ 6 thời Tấn [941] là năm Tân Sửu, mùa thu, tháng bảy, ngày 15, sinh ra vua. Đặng thị thấy tướng mạo khác thường, bảo với mọi người rằng: "Thằng bé này lớn lên, ta sợ không kịp hưởng lộc của nó". Được vài năm thì mẹ chết, sau đó cha [13b] cũng qua đời, trơ trọi một thân, muôn vàn cô đơn đói rét. Trong thôn có viên quan sát họ Lê trông thấy lấy làm lạ, nói: " Tư cách đứa trẻ này, người thường không sánh được". Lại thấy là cùng họ nên nhận làm con nuôi, sớm chiều chăm sóc dạy dỗ, không khác gì con đẻ. - Khâm định Việt sử thông giám cương mục: Lê Hoàn người Bảo Thái. Trước kia, mẹ ngài là Đặng thị đang có thai, chiêm bao thấy bụng nở ra hoa sen, rồi kết thành nhân sen ngay. Đặng thị đem chia cho mọi người, riêng mình lại không ăn. Lúc tỉnh dậy, lấy làm lạ lắm. Kịp khi sinh con, thấy con mặt mũi hình dáng khác thường, Đặng thị nói với người ta rằng: "Thằng cháu này mai sau chắc sẽ làm nên sang cả, chỉ hiềm tôi không kịp hưởng lộc thôi!". Được vài năm, mẹ mất, rồi cha cũng chết. Viên quan sát họ Lê (không rõ tên) ở Ái Châu thấy ngài, cho là khác thường, nuôi làm con. Truy tôn cha là Mịch là Trưởng Hưng vương, mẹ là Đặng thị làm Hoàng thái hậu. - An Nam chí lược: Lê Hoàn người Ái Châu. - Đại Việt sử ký tiền biên: Xét thấy Lê Đại Hành Hoàng đế người làng Bảo Thái, huyện Thanh Liêm chứ không phải Ái Châu, sử cũ chép nhầm. - Việt sử tiêu án: Lê Đại Hành người Ái châu. - Đại Nam nhất thống chí: Miếu Lê Đại Hành hoàng đế ở xã Trung Lập, huyện Thuỵ Nguyên, chỗ này là nền nhà cũ của tiên tổ nhà vua. - Lịch triều hiến chương loại chí: Lê Hoàn người Ái châu. - Việt Nam sử lược: Lê Hoàn quê ở làng Bảo Thái, huyện Thanh Liêm.


1.1.2. Theo thần tích ngọc phả:

Ngọc phả ba vị hoàng đế thời Tiền Lê: ở xã Trường Yên thuộc động Hoa Lư, nước Cồ Việt ta có một gia đình, ông chồng là Lê Lộc, cưới vợ người cùng xã là Cao Thị Khương, sinh được một con trai đặt tên là Lê Hiền. Gặp thời cảnh nhà túng thiếu, hàng ngày không đủ ăn, vì mất mùa xảy ra nhiều năm, dân làng đều đói khổ, ở vùng phủ Trường Yên cũng luôn luôn xảy ra trộm cướp... Ông Lê Lộc tự than phiền: “Đói nghèo đến thế, lại gặp buổi loạn ly, biết lấy gì tồn tại ở đây được? Chẳng bằng đi tìm đất khác lương thiện yên ổn mà giữ lấy thân còn hơn”. Thế rồi ông đem vợ con, gom góp gia tài, đi tìmcảnh sống. Khi đến xã Bảo Thái huyện Thanh Liêm phủ Lý Nhân đạo Sơn Nam, ông thấy địa thế ở đó là nơi sơn thủy hữu tình, núi dẫu cao nhưngchất vàng tươi, nước dẫu trong nhưng lắm khe ngòi. Từ khi ông Lê Lộc đến ở, ông tự gọi mình là ngư phủ làm nghề đánh cá. Ông kết đăng tre, kéo vó, đặt đó khắp vùng ruộng từ trên xã ứng Liêm xuống đến dòng khe của xóm ông ở. Lúc ấy ở đó có một con hổ hàng ngày qua lại cạnh nhà ông, như có ý muốn làm quen với người, ông liền nuôi nó như con nuôi. Từ đó con hổ biết dựa vào người không dám làm hại, đối với vật cũng không hại các vật, ông bèn đặt tên cho hổ là hổ Sơn Trường. Một hôm mưa to gió lớn, ông Lộc đặt đó ở chỗ dòng nước xiết, sai Sơn Trường ngồi canh giữ. Đêm ấy đến khoảng giờ Tý, ông thay quần áo giả làm người khác đến chỗ đơm đó, liền bị hổ Sơn Trường vồ cắn chết. Khi hổ nhận ra đó là cha nuôi, nó đưa xác ông táng ở phía bắc núi Bảo Thái, rồi cúi đầu quặp đuôi chạy biến. Con ông Lộc là Lê Hiền vô cùng thương xót bố. Sau ba năm mãn tang lo trọn đạo hiếu, Lê Hiền trở về quê cũ (tức là xã Trường Yên Thượng), lấy vợ người làng Trường Yên Hạ là Đặng Thị Khiết. vợ chồng chăm lo làm việc thiện, nhân dân địa phương ai cũng khen ngợi rằng: “Nhà này ăn ở nhân đức tất gặp được phúc lành”. Bấy giờ ông Hiền đã ngoài sáumươi tuổi, vợ là bà Đặng Thị Khiết cũng đã ngoài bốn mươi. Một hôm bà chiêm bao thấy mình ôm mặt trời ngồi trên lưng rồng bay từ trên trời xuống, từ đó bà có thai. Bà sinh được một trai, mặt mũi khôi ngô, phong thái tuấn tú. Hai cha mẹ đều mừng sinh được con, cho đó là nhờ hồng phúccủa trời đất, xin được đặt tên cho con là Hoàn. Ngày qua tháng lại, khi Hoàn đến bảy tuổi thì gia đình gặp phen bất hạnh, tai biến khôn lường: ông Lê Hiền mất, rồi bà Đặng phu nhân cũng mất, phải lo lắng việc gia đường hương hỏa, thờ cúng cha mẹ đúng như lễ nghi. Nên từ đó gia tài khánh kiệt, Hoàn phải sớm chiều làm mướn, cuộc sống một nắng mười sương, nhà cửa tiêu điều, vườn không rau cỏ... Hoàn phải nương tựa vào người bản châu, xin làm con nuôi viên quan Sát sứ người họ Lê.


1.1.3. Theo gia phả họ Lê xã Diễn Hùng, huyện Diễn Châu:

Lê tộc sinh hạ là gia phả của gia đình Lê Trừ, Lê Lợi (cụ Lê Học anh cả đã mất sớm) cùng các con của Lê Trừ là Lê Khôi, Lê Khang; con của Lê Lợi là Lê Tư Tề viết gia phả năm Thuận Thiên thứ nhất (1429). Cuốn phả này hiện được lưu giữ ở họ Lê làng Mai Phụ, xã Diễn Hùng, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Năm 1969, ông Lê Văn Du dịch và đến năm 1993, hội đồng khoa học gia phả Họ Lê Việt Nam hiệ đính. Theo Lê tộc sinh hạ: Ông họ Lê huý Tịch hiệu Phúc Hộ tiên sinh, người Hoan Châu (nay là Nghệ An) ra Ái châu (nay là Thanh Hoá), thê hương ông người Châu Phong. Bà là Đinh Thị Muôn huý Vạn sinh ra Lê Mịch.. Lê Mịch lấy bà Lại thị huý Thiên sinh ra Lê Hoàn tức Hoàng đế Lê Đại Hành, con cháu kế truyền (đến đời Lê Hối sinh ra nhà Hậu Lê). Lê Hoàn sinh giờ Dần, ngày 15 tháng 7 năm Tân Sửu (năm 941, sau Công nguyên).


1.1.4. Theo gia phả họ Lê làng Phong Mỹ (làng Mía), nay là thôn Thịnh Mỹ xã Thọ Diên huyện Thọ Xuân – tỉnh Thanh Hóa:

Trong văn bia Thần đạo tướng công Lê Đột tại Đền Lê Đột có ghi Lê Đột là Lê Quan Sát là cha nuôi của Lê Hoàn khi cha mẹ vua mất sớm đã nhận chăm sóc, dạy dỗ đến tuổi gần thiếu niên.

 

1.2. Nhận định về thân thế và quê hương bản quán Lê Hoàn qua các nguồn tư liệu

 

1.2.1. Thân thế Lê Hoàn:

 

Trên cơ sở tư liệu chính sử, ngọc phả, gia phả tộc Lê – Diễn Hùng (Lê tộc sinh hạ) cho thấy về thân thế của Vua Lê Hoàn có sự khác nhau: - Theo chính sử: Vua họ Lê húy Hoàn, cha là Lê Mịch, mẹ là bà họ Đặng nhưng không rõ tên. Khi vua lên ngôn tôn cha là Trường Hưng vương, mẹ là Hoàng Thái Hậu. Đến khi vua băng hà, lấy miếu hiệu là Lê Đại Hành. Thuở nhỏ, cha mất sớm, Lê Hoàn được viên Quan sát họ Lê nuôi dưỡng (Lê Quan Sát). Theo gia phả dòng Lê Đột làng Thịnh Mỹ nay là thôn Thọ Diên huyện Thọ Xuân – tỉnh Thanh Hóa, Lê Đột chính là Lê Quan Sát là cha nuôi của Lê Hoàn. Điều này trong chính sử chỉ ghi Lê Hoàn được viên Quan sát họ Lê nuôi dưỡng như con ruột. - Theo ngọc phả ba vị hoàng đế thời Tiền Lê: Vua Hoàn có cha là Lê Hiền, mẹ Đặng Thị Khiết; ông nội Lê Lộc, bà nội Cao Thị Khương. - Theo Lê tộc sinh hạ: Vua Lê Hoàn có cha là Lê Mịch, mẹ là bà Lại Thị Thiên; ông nội là Lê Tịch, bà nội là Đinh Thị Muôn húy Vạn. Với những nguồn tư liệu còn khiêm tốn, và không thể đánh giá, nhận định nguồn tư liệu nào đáng tin cậy hơn. Chính vì vậy, chúng tôi tổng hợp về gia thế của Lê Hoàn như sau: - Ông, Bà nội: + Lê Tịch còn có tên khác là Lê Lộc. + Bà nội: Đinh Thị Muôn, tên khác: Cao Thị Khương. - Cha, mẹ: + Cha: Lê Mịch, tên khác là Lê Hiền. + Mẹ: Lại Thị Thiên, tên họ khác: Đặng Thị Khiết. - Cha nuôi: Lê Đột, tên khác: Lê Quan sát (viên Quan sát họ Lê). - Về ông bà cố Lê Hoàn không thấy tư liệu đề cập. - Ngày tháng năm sinh theo âm lịch: vua sinh ngày 15 tháng 7 năm Tân Sửu (941).


1.2.2. Câu chuyện huyền sử về ra đời của Lê Hoàn:

Đức Hoàng đế Lê Đại Hành sinh ra trên cõi đời này như là câu chuyện Thánh Thần giáng thế giữa trần giang để cứu Nước, cứ Dân nên từ trong dân gian đến chính sử đều ghi lại câu chuyện Vua ra đời nhuốm màu huyền sử đến kinh ngạc: Mẹ Ngài là bà họ Đặng lúc đang có thai, chiêm bao thấy bụng nở ra hoa sen, rồi kết thành hạt sen. Bà đem chia cho mọi người, riêng mình lại không ăn. Lúc tỉnh dậy, Bà lấy làm lạ lắm. Khi sinh con, thấy con mặt mũi hình dáng khác thường, Bà nói với người xung quanh rằng: Đứa con tôi mai này chắc sẽ làm nên sang cả, chỉ hiềm tôi không kịp hưởng lộc thôi!


1.2.3. Nhận định quê hương, bản quán Lê Hoàn:

Với các nguồn tư liệu nêu trên cho ta thấy chưa có sự thống nhất chung về quê hương bản quán của Lê Hoàn và cũng không thể lấy nguồn tư liệu này khẳng định đúng còn nguồn tư liệu kia cần xem xét hoặc không đúng. Tựu trung về quê hương bản quán Lê Hoàn thấy có 3 nơi đề cập; đó là: Trường Châu (Ninh Bình), Bảo Thái (Hà Nam) và Trung Lập (Ái châu nay thuộc Thanh Hóa): Căn cứ các nguồn tư liệu, các góp ý của các nhà nghiên cứu, tại Hội thảo “Lê Hoàn - Quê hương và sự nghiệp” tổ chức tại Hà Nam, năm 2017, Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã phát biểu tổng kết về quê hương của Hoàng đế Lê Đại Hành – Lê Hoàn như sau: - Trường Châu (Ninh Bình) là nơi ông nội của Lê Hoàn là Lê Lộc cùng vợ là Cao Thị Khương đã từng sinh sống và từ đó chuyển đến Bảo Thái lập nghiệp. Không rõ quê gốc của Lê Lộc ở đâu, nhưng ông chỉ sống ở Trường Châu trong một thời gian ngắn. - Bảo Thái (Hà Nam) là quê hương của Lê Lộc, ông nội của Lê Hoàn. Tại đây Lê Lộc sinh ra Lê Hiền là cha của Lê Hoàn. Bảo Thái là quê hương hai đời (không trọn vẹn) của Lê Hoàn, có thể coi là quê tổ của Lê Hoàn. Đại Nam nhất thống chí cũng coi “mộ tổ của Lê Đại Hành” ở Bảo Thái. - Thanh Hóa (Ái châu) là nơi Lê Hoàn sinh ra. Lê Hiền và vợ là Đặng Thị Khiết chuyển vào Trung Lập, huyện Thọ Xuân, từ đây sinh ra Lê Hoàn, sau được viên Quán sát họ Lê nhận làm con nuôi. Đây là quê hương trực tiếp của Lê Hoàn và quê hương của cha nuôi.

Tác giả: TS. Lê Văn Nho

Tổng số điểm của bài viết là: 7 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 3.5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây